Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Sự vĩ đại từ tầm nhìn của Henry Ford


ImageTrong lời tựa cho cuốn sách rất nổi tiếng “In Their Times”(tạm dịch “Đương thời”) của hai tác giả Anthony J. Mayo và Nitin Nohria do trường Thương mại Harvard ấn hành năm 2005, Warren Bennis - giáo sư xuất sắc của đại học miền Nam California đã nhận định: “Thật là ngớ ngẩn nếu chỉ ra rằng lý thuyết và các công trình kỹ xảo đã không làm thay đổi thế giới. Con người đã làm thay đổi thế giới” và một trong những con người như thế chính là Henry Ford, cha đẻ của tập đoàn xe hơi mang tên ông – Ford Motor Company.

Cú huých lịch sử
Ngay trong những năm đầu của thế kỷ thứ hai mươi, khi mà các quốc gia châu Âu và cả Hoa Kỳ đang rơi vào những cuộc tranh giành thuộc địa và ngấm ngầm gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu - chiến tranh thế giới thứ nhất; khi mà một nền thương mại còn ẩn chứa những khuyết tật với thời gian làm việc dài giờ, môi trường lao động không an toàn và với một mức lương còn rất thấp, thì Henry Ford cùng với những nhà đầu tư Hoa Kỳ trong các ngành công nghiệp khác cũng không âm thầm trong cuộc chạy đua đưa những ý tưởng vĩ đại vào thực tiễn.
Trong lúc chính phủ của Tổng thống Wilson đã bất lực trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi cho người lao động, thì Ford đã có những quyết định táo bạo, mang đến quyền lợi lớn lao cho người lao động trực thuộc công ty của ông và có nhiều ảnh hưởng đến nhiều công ty khác. Chính bản thân ông cũng đang bị công kích bởi những chính sách đối đãi với công nhân và tư tưởng bài trừ Do thái! Ông đã trở thành một trong những ông chủ trong nền công nghiệp nặng đầu tiên chia sẽ lợi nhuận kinh doanh với những người làm công và hơn thế nữa, khi áp dụng dây chuyền lao động, ông đã tăng lương cho người lao động lên gấp đôi (năm 1914 đã đạt mức lương chưa hề có là 5 USD/ngày). Không những thế, ông đã đưa ra quyết định rút ngắn giờ làm việc cho công nhân từ 9 giờ xuống còn 8 giờ làm việc một ngày.
Một câu hỏi được đặt ra, cái gì đã làm cho nhà lãnh đạo này đưa ra quyết định táo bạo đó? Một câu trả lời giản đơn rằng, ông đang sống trong những nguyên tắc gia tăng sức mạnh bằng những động cơ thúc đẩy. Vì nhà lãnh đạo hiểu rất rõ rằng, ông không thể điều khiển con tàu nếu nó không tiến về phía trước, và hơn thế nữa, ông đang chuẩn bị cho một một cuộc cách mạng, mà ông cần công ty của mình có một cú hích mạnh để vượt lên. Chính ông đã thổ lộ, ông muốn thúc đẩy công nhân của ông đạt được kết quả làm việc tối đa. Ông tin rằng: kết quả ấy chỉ đạt được tối đa khi công nhân được chi trả một cách đầy đủ và đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
Hành động thúc đẩy của ông đã có những phản ứng mạnh mẽ trong xã hội, đến nỗi ông đã trở thành chủ đề bàn tán trong xã hội. Tờ New York Times ngày 11/1/1914 đã phải thốt lên: “Ford đã tác động mạnh vào nền thương mại, ông đã chia sẻ lợi nhuận của công ty cho công nhân”. Một cú sốc lớn trong thế giới kinh doanh và những người lao động của họ. Ngay lập tức, phía công đoàn đã noi gương ông, họ đã đấu tranh và giúp giảm giờ làm cho đồng loạt công nhân và sau đó ít năm, lương cơ bản của công nhân cũng đã được tăng lên, cụ thể trung bình mức lương công nhân xí nghiệp đã tăng từ 6 cent/giờ năm 1913 lên 22 cent/giờ năm 1920.
"Hãy sản xuất nó bằng mọi giá"
ImageTrong cuốn tiểu sử “Ford: the men and machines” (tạm dịch Ford: con người và máy móc), Robert Lacy đã miêu tả rằng nhà sản xuất ô tô thiên tài Herny Ford đã lên một kế hoạch có tính đột phá về một kiểu động cơ mới. Đó chính là loại động cơ V-8 ngày nay. Ford rất háo hức muốn biến ý tưởng này thành hiện thực. Ông đã mời vài đồng nghiệp cùng vẽ thiết kế và trình bày trước các kỹ sư.
Các kỹ sư nghiên cứu bản thiết kế và đều có chung một kết luận rằng nhà lãnh đạo hão huyền của họ ít hiểu biết về các nguyên lý kỹ thuật cơ bản. Họ đã nhắc khéo rằng, ý tưởng của ông khó trở thành hiện thực. Nhưng Ford nói: “Hãy sản xuất nó bằng mọi giá”. Bất chấp sự phản ứng từ phía những kỹ sư, ông vẫn ra lệnh: “Hãy thực hiện điều đó cho đến khi thành công dù phải mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa”.
Suốt sáu tháng, họ phải đánh vật với vô số bản vẽ thiết kế mà không tiến được một bước nào. Sáu tháng tiếp theo cũng không có gì biến chuyển. Gần cuối năm, Ford đến kiểm tra, nghiệm thu kết quả và một lần nữa các kỹ sư nói với ông, những điều ông muốn không thể thực hiện được. Ford nói với họ cứ tiếp tục công việc. Họ lại tiếp tục. Và cuối cùng, họ đã khám phá ra cách chế tạo động cơ V-8.
Qua câu chuyện này, một giảng viên về bộ môn lãnh đạo đã nhận xét: “Henry Ford và các kỹ sư của ông đều sống chung dưới một bầu trời nhưng họ lại không có chung một chân trời. ”Tại sao Ford lại có một chân trời khác với những kỹ sư của ông, chính là vì ông có một tầm nhìn lớn. Và ông còn hiểu hơn ai hết rằng, nhà lãnh đạo không bao giờ có thể đưa người của họ đi xa hơn đoạn đường họ đã đi. Với Ford, những gì ông nhìn thấy là những gì ông có thể đạt được. Ông luôn sống với nguyên tắc đó.
Cùng với sáng kiến và những cuộc cách mạng công nghệ và kinh doanh, Ford còn là cha đẻ của hệ thống làm việc dây chuyền hiện đại nhằm hạ giá thành sản phẩm Model-T để cạnh tranh với các hãng sản xuất xe hơi khác. Ông đã từng tìm hiểu lý thuyết thời gian và sự vận động của Frederick Winslow Taylor và đặt ra câu hỏi tại sao lại không áp dụng vào dây chuyền sản xuất xe hơi. Ngay lập tức ông đưa ra sáng kiến “sản xuất đồng loạt”.
Thời điểm đó (năm 1913), các xí nghiệp sản xuất chỉ đưa một chiếc mỗi lần. Sáng kiến của ông ngay lập tức phát sinh thắng lợi, từ việc sản xuất đồng loạt, Model-T của công ty ông đã cắt giảm rất lớn thời gian sản xuất từ 12 giờ xuống chỉ còn 1 giờ rưỡi. Kết quả của sáng kiến vĩ đại này đã làm cho Ford quyết định giảm giá thành và giúp công ty Ford đạt được những kết quả kinh doanh to lớn. Năm 1912, công ty Ford tung ra thị trường 82.000 xe Model-T với giá bán lẻ 850 USD. Đến năm 1916, 585.000 xe hơi được bán ra với giá chỉ còn 360 USD.
Kết quả tuyệt vời ấy đối với Ford không chỉ đó là kết quả của những sáng kiến vĩ đại mà còn là tổng thể của những hành động và tầm nhìn vĩ đại. Ông tôn sùng “chủ nghĩa tập thể” và chính tập thể đã giúp Ford thành công.
Một kết quả phi thường chỉ có thể đến từ một sáng kiến vĩ đại và một hành động phi thường. Nhưng hơn ai hết, Ford luôn luôn quý trọng những con người làm việc cho mình, vì cuộc đời ông đã chứng kiến bao đổi thay, thất bại và cả hận thù. Với ông, con người là tài sản quý giá nhất mà một nhà lãnh đạo có. Và ông cần phải có những quyết định táo bạo - quyết định của một nhà lãnh đạo - tất cả chỉ để cho họ.
<Theo Vietnamnet>

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.