Hoạt động mua bán thuốc cai nghiện trôi nổi quanh khu vực Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã diễn ra với quy mô lớn từ lâu. Thế nhưng, bất chấp cảnh báo từ chính các nạn nhân đã “tiền mất tật mang” vì mua nhằm thuốc dởm, nhiều gia đình vẫn tiếp tục bỏ tiền mua các sản phẩm trôi nổi, không hề qua kiểm định chất lượng này. Qua đó, vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo nhởn nhơ kiếm lời bất chính.
Hẹn PV tại con hẻm gần bến xe miền đông, người bán giới thiệu thuốc cai nghiện cedemex giá 10.000.000 đồng. Ảnh: AD
“Cò” chào bán thuốc ngay trước trung tâm cai nghiện
Chúng tôi tìm đến khu vực Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, (Q.Bình Thạnh), nơi được xem là đầu mối tập trung của những người bán thuốc cai nghiện ma túy dạo Sài Gòn. Trong vai một người đi tìm thuốc cai nghiện cho người thân, lân la dò hỏi tại các quán cafe trước cổng trung tâm, chúng tôi được chị bán nước nhanh nhảu giới thiệu cho một tay xe ôm gần đó. Anh ta tự giới thiệu tên Minh, chuyên cung cấp thuốc cai nghiện chính hãng, uy tín, chất lượng.
Minh tỏ ra hồ hởi: “Hai em hôm nay là gặp may đấy, chứ thường ngày anh toàn đi giao hàng theo đơn của nhiều gia đình ở các tỉnh miền Tây và miền Trung”. Vừa nói, Minh vừa liến thoắng chào hàng bằng một vỉ thuốc có những viên nhộng màu xanh dương và giới thiệu đó là Proxyvon. Tôi xin phép được cầm để xem xét kỹ hơn trước khi mua nhưng khi quan sát thì không hề thấy dòng chữ Proxyvon in trên vỏ thuốc. Thấy tôi thắc mắc, Minh giải thích kiểu lấp liếm: “Đó là hàng ngoại nhập nên chữ được in chìm để chống hàng giả, chỉ có người trong nghề mới nhìn và biết được (?)”. Minh mồi chài: “Nếu bọn em không tin tưởng thuốc của anh thì anh giới thiệu tụi em đến gặp thầy lang vườn này để uống thuốc gia truyền vừa mát, vừa không sợ độc hại gì cho người nghiện, tụi em đi mua thuốc cho người bệnh thì phải thành tâm tin tưởng chứ”.
Theo chỉ dẫn của Minh, chúng tôi tìm đến nhà ông Ba Thọ trong một con hẻm nhỏ ở Q.Bình Thạnh. Vừa thấy chúng tôi lấp ló trước cổng, một chị phụ nữ trong nhà đã hỏi ngay: “Đến đây làm gì (?). Ai giới thiệu (?)”. Vừa nghe tôi đáp lời được anh Minh bán thuốc dạo chỉ mối, người phụ nữ lập tức thay đổi thái độ, vui vẻ mời “khách hàng tiềm năng” vào nhà gặp thầy lang.
Suốt cuộc nói chuyện sau đó, chúng tôi để ý vị “lang vườn” này chỉ nói về công dụng của các loại thuốc mà ông gọi là “thần dược”. Ông khẳng định: “Thuốc tôi bào chế ra có thể cai nghiện cho bất kỳ đối tượng nào, bất kể nặng hay nhẹ”. Nói rồi, ông cho chúng tôi xem một chai thủy tinh chứa thứ nước màu nâu đục, trông giống thứ rượu thuốc được bày bán nhan nhản ngoài chợ. Thầy lang giới thiệu đó là thuốc cai nghiện chuyên dụng, có hoạt tính rất mạnh. Ông Ba Thọ cho biết thuốc này làm từ rễ cây thần tiên, cách sử dụng lại cực kì đơn giản, chỉ cần thấy người nghiện lên cơn lúc nào là cho uống lúc đó, cơn nghiện sẽ bị hãm lại ngay lập tức. Mỗi chai thuốc trên được rao bán với giá 1.200.000/lít, đặc biệt chỉ bán theo lít chứ không bán lẻ. Ông giải thích: “Muốn cai được nghiện thì phải uống liên tục 1 lít thuốc thì mới hiệu quả”.
Lấy cớ về hỏi ý người nhà rồi sẽ trở lại, chúng tôi rời nhà ông Ba Thọ tiếp tục lần theo một địa chỉ ghi trên một tờ rơi lượm được phía trước Trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Qua số điện thoại liên lạc, chúng tôi hẹn gặp người bán thuốc tại Bến xe Miền Đông để giao dịch. Trước khi ngắt máy, anh ta không quên nhắc nhở: “Anh nói trước thuốc này hàng ngoại nên giá rất đắt đấy”. Quả thật, thuốc của anh ta rất đắt, giá tận 10 triệu đồng một vỉ. Thuốc được để trong một hộp giấy bên ngoài đề tên Cedemex. Anh ta cũng không quên đưa kèm tờ hướng dẫn sử dụng.
Tiền mất tật mang vì thuốc “đặc trị” nghiện
Dạo qua một số trang bán thuốc cai nghiện trên mạng như: cainghien, thuoccainghien…, chúng tôi không khỏi giật mình bởi những loại thuốc cai nghiện được rao bán nhan nhản. Thậm chí trên các diễn đàn buôn bán, mặt hàng thuốc cai nghiện vẫn được mua bán công khai dù không hề nhận được sự cho phép, đảm bảo từ phía cơ quan chức năng. Mặt hàng này đều được giới thiệu là có xuất xứ từ Mỹ, xách tay về Việt Nam. Một người trên diễn đàn giới thiệu: “Mình còn 28 viên Depade của Mỹ, do cai nghiện thành công nên không uống nữa, ai cần liên hệ 090xxx544”. Rao bán rầm rộ là vậy nhưng mặc dù cố tìm kiếm thông tin về cách sử dụng các loại thuốc này, chúng tôi cũng không thể tìm ra.
Tờ rơi quảng cáo thuốc cai nghiện rầm rộ trong các ngõ hẻm. Ảnh: DA
Khi đem vấn đề này trao đổi trên các diễn đàn mạng, nhiều người nhận xét chúng tôi đã bị những người bán thuốc dạo lừa, vì ngay cả chính bản thân những người nghiện cũng đã từng bị lừa như thế. Anh H., một người nghiện ma túy hơn 17 năm chia sẻ: “Tôi từng dùng nhiều loại thuốc khác nhau để cai nghiện tại nhà, nhưng đúng là “tiền mất tật mang” vì thuốc giả, thuốc nhái, rồi thuốc kém chất lượng. Uống vào thấy trong người lúc nào cũng rã rời, bồn chồn. Tôi khuyên bạn và gia đình nên đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện, ở đó họ sẽ biết cách cho người nhà bạn cai nghiện bằng phương pháp nào là phù hợp”.
Cùng hoàn cảnh như anh H., chị N. nhà ở Q.5 lại cảnh báo: “Bạn đừng nên mua các loại thuốc đó, tôi đã từng bị lừa mất 12 triệu đồng để mua hộp thuốc Methadone. Nhưng càng uống, con trai tôi càng mệt mỏi rồi nôn thốc nôn tháo. Thấy vậy, gia đình vội đưa đi cấp cứu, cũng may mà còn kịp, chứ không thì chết oan vì thuốc cai nghiện”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép cho hai loại thuốc chống tái nghiện là Notexon và Natrex 50, giá của các loại thuốc cai nghiện này hoàn toàn không ở mức “trên trời” như vậy. Rất nhiều các đối tượng, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và yếu tố ngại đưa con đến trại vì sợ người đời nhìn ngó nên đã tự ý nâng giá thành nhiều loại thuốc cai nghiện lên gấp đôi, gấp 3. Hơn nữa, dù được quảng cáo là thuốc ngoại nhưng thực chất, các sản phẩm này đều là hàng trôi nổi, hàng nhái, hàng kém chất lượng được sản xuất trong nước. Thế nhưng bất chấp những cảnh báo, rất nhiều gia đình vẫn âm thầm chi tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mua các sản phẩm trên thị trường chui lủi này.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Tâm thần TP.HCM, đối với người mới bắt đầu nghiện và sức khỏe hoàn toàn bình thường thì không nên dùng bất cứ các loại thuốc cai nghiện nào. Những trường hợp này nếu có ý chí thì trong khoảng hai ba ngày, họ có thể dễ dàng vượt qua. “Việc chống tái nghiện sau khi cai nghiện cũng là việc làm quan trọng, bên cạnh đó việc điều trị cắt cơn hoặc chống tái nghiện luôn đòi hỏi phải có sự quan tâm chăm sóc y tế chặt chẽ. Thuốc cai nghiện không thể coi như một loại thực phẩm chức năng, cứ ra tiệm thuốc mua về sử dụng. Chúng ta cần phải hết sức thận trọng vì nếu sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn chỉ định của bác sĩ còn có thể dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng người được cai nghiện”, bác sĩ Sơn cảnh báo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.